Mosaic mang đến tính thẩm mỹ cao cho các công trình xây dựng. Để có được những kiến trúc đẹp, chúng ta phải thi công và lắp đặt theo đúng quy cách để đạt hiệu quả cao.Quá trình thi công để dán gạch mosaic phải trải qua những công đoạn sau:
1. Các dụng cụ cần cho quá trình dán gạch mosaic:
Mỗi loại vật liệu sẽ có những dụng cụ chuyên biệt, Các dụng cụ cần thiết cho quá trình thi công lắp đặt mosaic bao gồm:
• Bay răng cưa , bay có mặt dạng bọt biển( mút xốp), bay có mặt cao su, khay chứa keo dán.
• Thước dùng để đo chiều dài, lấy vuông, lấy cân bằng ngang.
• Máy khoan cầm tay hoặc máy khuấy kèm theo cánh khuấy.
• Bàn chải mềm, chổi quét nhỏ, kéo mũi ngắn và bút.
• Các dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết như găng tay, khẩu trang, kính bảo vệ mắt.
• Các loại keo dán chuyên sử dụng cho gạch mosaic,keo nhựa ( dùng làm cữ ốp, lát), keo miết mạch dùng để chà , chít mạch. Nên sử dụng loại keo mịn
2. Quá trình thi công lắp đặt Mosaic như sau :
a) Công tác chuẩn bị bề mặt để lắp đặt gạch mosaic:
• Kiểm tra bằng thước và đảm bảo diện tích ốp lát phải được định vị chính xác và có kích thước phù hợp với thiết kế.
• Tường trước khi dán ,phải đảm bảo xi măng đã chết khoảng 3-5 ngày ( đối với bề mặt tường thi công là xi măng )
• Bề mặt ốp lát theo đường cong hoặc phẳng tùy theo thiết kế.
• Bề mặt ốp lát không được gồ ghề, và phải sạch sẽ
• Mặt mosai để dán phải được vệ sinh sạch sẽ, cứng, chắc, không dính các tạp chất. Có một điểm lưu ý đối với Gạch mosaic thủy tinh là ở những nơi có ánh sáng mặt trời chiếu vào, cần phải tưới nước làm mát và giữ ấm.
• Trong quá trình lắp đặt, cần có ánh sáng đầy đủ và phải được che chắn cẩn thận để tránh mưa gió.
b) Các bước thực hiện việc lắp đặt gạch mosaic:
Bước 1: Chuẩn bị thi công dán gạch mosaic:
• Sử dụng băng keo để dán che phần xung quanh vị trí ốp lát hoặc các phần cần ốp lát cần giữ sạch.
• Thử các vỉ mosaic vào vị trí ốp lát, sau đó đánh dấu lên bề mặt. Trong trường hợp cần phải cắt mosaic, thì dùng kéo cắt phần lớp giấy và lưới ở các khe của vỉ đá. Bạn cũng có thể bóc các viên đá ra khỏi tấm lưới giấy, dùng kìm hoặc máy cắt để cắt các viên mosaic sao cho phù hợp với các kích thước phù hợp với các khe và góc hẹp.
• Chuẩn bị keo dán, bột ron, nước sạch, máy khuấy keo, xô đựng … đầy đủ
• Làm ẩm tường trước khi dán ( nếu tường quá khô )
Bước 2: Ốp lát các vỉ gạch mosaic:
• Trộn keo dán cùng với nước sạch theo liều lượng thích hợp bằng máy khuấy hoặc máy khoan có lắp cánh khuấy. Trộn đều keo cho đến khi keo nhuyễn và có độ dẻo theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất ( đọc kỹ hướng dẫn sử dụng keo và thực hiện đúng )
• Sử dụng cạnh thẳng của bay răng cưa trải đều keo dán lên bề mặt ốp lát, khoảng 3mm. Sau đó dùng cạnh có răng cưa có chiều cao của răng cưa khoảng 2mm của bay kéo nghiêng trên bề mặt lớp keo để tạo ra các đường rãnh song song. Nên để lượng keo vừa đủ, trong trường hợp keo quá nhiều sẽ gây khó khăn trong việc làm vệ sinh và có thể ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của việc ốp lát.
• Không được làm ẩm vỉ đá trước khi dán. Sau khi lớp keo được dàn đều và bề mặt keo dán hơi se lại, đặt vỉ đá chính xác vào vị trí cần ốp lát. Dùng bay mút đập đều tay lên phần mosaic đã dán để đảm bảo rằng keo dán được dàn đều lên mặt sau của mosaic.
• Kiểm tra cao độ, vị trí của vỉ đá vừa dán. Trường hợp không chính xác cần bóc vỉ đá ra ngay để dán lại, không co, kéo, gõ vỉ đá.
• Đặt các ke nhựa có độ dày theo đúng đường ron của các hạt mosaic trong vỉ vào vị trí cần thiết và thực hiện ốp lát các vỉ đá tiếp theo tương tự như các công đoạn phía trên.
• Sau khi dán các vỉ đá, kiểm tra lại kích thước, độ phẳng, độ đồng đều của các mạch ốp lát.
Khi thực hiện công đoạn này, chúng ta cần lưu ý một số điểm như sau:
Đối với các loại keo dán tiêu chuẩn thời gian thao tác thi công cho phép là 45 phút. Trường hợp trời có nắng to, gió hanh thời gian thao tác thi công sẽ ngắn hơn (khoảng 50%).
Không nên để lớp keo bị tạo màng trong khi dán các vỉ mosaic. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng bám dính của vỉ đá vào lớp keo.
Sau khi hoàn thành xong bước này, chúng ta nên che chắn cẩn thận, không nên để nước chảy vào bề mặt ốp lát.
Nếu bề mặt của gạch mosaic sau khi thi công xong bị bẩn, sử dụng khăn sạch, ẩm để lau ngay phần bị bẩn.
Bước 3: Chà (miết, chít) mạch và làm vệ sinh:
• Sau khi các vỉ đá được ốp lát bằng keo dán trải qua 24 giờ, lúc này, bạn thực hiện công việc chít ( miết, chà) mạch.
• Làm vệ sinh các vỉ đá đã được dán bằng bàn chải mềm và chổi nhỏ.
• Tiếp theo đó, phải tính toán lượng keo chà mạch vừa đủ dựa trên các chỉ dẫn của nhà sản xuất.
• Trộn keo chà mạch với nước sạch (khoảng 30-40% phần nước theo thể tích), khuấy đều với tốc độ thấp. Khi hỗn hợp keo nước trở nên đồng nhất và không có bọt khí là được. Để hỗn hợp keo nước khoảng từ 3-5 phút, sau đó khi sử dụng, trộn lại một lần nữa.
• Chèn hỗn hợp keo nước vào đầy các mạch của vỉ đá bằng bay cao su.
• Làm phẳng bề mặt mạch bằng cách gạt bay cao su chéo với mạch keo sau khi chèn mạch.
• Khi lớp keo đã bắt đầu mất tính dẻo và mờ đi (thường sau khoảng 20 – 45 phút tuỳ thuộc vào thời tiết và loại keo), làm sạch lượng keo thừa bằng bay có mặt xốp cứng đã được làm ẩm. Sử dụng hai xô nước riêng, một để rửa sạch bay, một để nhúng ẩm. Hãy lau cho đến khi bề mặt đá mosaic sạch hoàn toàn.
• Khi lớp keo đã khô, có thể làm sạch bằng máy đánh bóng cầm tay có gắn phớt mềm nhúng ẩm. Một điểm đáng chú ý là nếu làm sạch khi keo đã cứng bằng biện pháp cơ học có thể làm trầy xước bề mặt đá.
Công việc cuối cùng là bóc các lớp băng dính giấy đã dán ban đầu và làm vệ sinh những vị trí ốp lát bằng nước sạch.